Tổ nào thì ấm?

0 comments

[Xây nhà nhỏ - Xây tổ ấm] Quan niệm từ ngàn xưa cho rằng Đàn ông xây nhà - Đàn bà xây tổ ấm. Liệu rằng trong cuộc sống hiện đại khi mà vai trò của nam và nữ gần như bình đẳng thì quan niệm này có thay đổi được hay không?
 
Trong bữa tiệc cuối năm của hội bạn, X., bạn tôi, một chuyên viên thiết kế đồ họa, khoe: “Vợ tôi sắp xây nhà. Giờ thời đại mới rồi - đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm”.

Tôi hỏi: “Thế ông xây tổ ấm như thế nào và làm sao để biết chắc nó ấm?”. X. cười bảo: “Thì cứ đưa đón con cái đi học, cuối tuần đưa chúng nó đi ăn kem, xi-nê, về nhà tranh thủ hút bụi, giặt đồ, rửa chén. Ông chồng mà chăm chỉ siêng năng thế, không ấm mới là lạ”.

Hai tháng sau bữa tiệc, vợ chồng X. ly thân, rồi ly dị. Cái tổ X. xây không đủ ấm, còn ngôi nhà vợ X. xây thì có khả năng ấm, song cái ấm áp đó không dành cho X.

Âu cũng là số Trời.


Con chíp quy định vai trò xã hội: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, không được làm ngược lại, không được cãi (ảnh minh họa)

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến “tan đàn xẻ nghé” là vợ X. không tìm thấy sự cảm thông nào từ người chồng, khi cô ấy phải bươn chải lo kinh tế và thay chồng (tất nhiên đây là cô nghĩ) tạo dựng nhà cửa, cơ ngơi. Thể nào trong lúc mệt mỏi rã rời, cô cũng sẽ hát ru con (nếu cô còn biết ru):

“Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà mua đất mồ côi một mình”

Trong đầu mỗi người vợ trót thay-tạo-hóa làm kinh tế, làm cột trụ gia đình, đều có một góc dành cho ý nghĩ coi thường chồng. Thực ra, đấy cũng chẳng phải lỗi tại họ. Thế thì lỗi tại ai?

Một người con trai khi lập gia đình chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ thành người khai chi tiết nghề nghiệp "nội trợ" trong sổ hộ khẩu hay bản sơ yếu lý lịch. Ai cũng muốn làm kèo cột, làm cây lớn rủ bóng để vợ "núp bóng tùng quân" đúng mô hình tiêu chuẩn nghìn đời. Chẳng ai muốn sống bám, "chó chui gầm chạn"; chẳng ai thấy thoải mái khi bỗng dưng gia đình mình trở thành kiểu mẫu cho chế độ mẫu hệ.

Một người nữ khi lập gia đình chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời; chẳng ai nghĩ mình sẽ phải từ bỏ chức phận tay hòm chìa khóa, tề gia nội trợ để mọc nanh mọc cựa gáy ò ó o thay chồng. Chẳng ai thấy thoải mái khi hình dung ra cảnh mình thì di động áp chặt nóng bỏng tai hết cãi nhau đến thương lượng với "đối tác", trong khi chồng thì cắm đầu vào thau quần áo ngầu bọt xà phòng.

Nhưng đâu phải lúc nào Trời cũng chiều người.

Tôi có người cậu họ, thời trẻ hét ra lửa, ở bất cứ môi trường nào dù học đường hay cơ quan đều tỏa sáng hơn người. Ông lấy vợ, sinh liên tục ba đứa con. Bà mợ của tôi, vợ ông, rất hiền thục, thu vén nhà cửa, nuôi dạy con cái, không bon chen việc xã hội, không hề lấn lướt chồng. Đột nhiên, ông cậu bị ốm nặng rồi mất sức lao động. Để đàn con khỏi đói, mợ tôi bỏ nhà đi làm kinh tế, thoạt tiên chỉ là may thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi, rồi tìm được vài cơ hội, mua đi bán lại vài căn nhà cấp 4, vài khu đất rẻ, rồi chơi chứng khoán, góp vốn buôn chung.


Thời thế có đổi thay, nhịp sống có hiện đại đến trăm lần hơn, thì thiên chức vẫn cố định (ảnh minh họa)

Ông chồng tuy mất sức lao động nhưng không đến nỗi mất luôn khả năng dạy con chăm con, nên ông thay vai trò vợ. Đàn con không phải đói ngày nào, chẳng được mẹ tắm cho thì đã có bố, xem ra chả mất mát thiếu hụt gì. Nhưng họ không sống vẹn toàn với nhau được lâu.

Ngay khi mợ tôi mua được, cất được một căn nhà khang trang thay cho căn phòng thuê thiếu tiện nghi mà cả gia đình đã phải chui rúc cả chục năm, thì họ chia tay. Họ bất ngờ chia tay, mà người đưa đơn ly dị là cậu tôi. Ông bảo: "Tôi không chịu nhục được". Tôi sống gần gia đình cậu mợ, rất ngạc nhiên, có chỗ nào nhục đâu nhỉ. Mợ không lấn lướt cậu, mợ không trăng gió ngoài đường, cậu vẫn đầy đủ quyền uy chủ gia đình, con cái ngoan ngoãn, sạch sẽ, sao lại nhục?

Ông cậu lắc đầu, cháu không hiểu đâu, nhục lắm. Động vào đâu, từ cái nhỏ nhất như quạt máy, bếp gas đến cái lớn như xe pháo, nhà cửa đều biết rằng mình chẳng góp vào đấy được một “gờ-ram” nào, toàn vợ mình thôi, thì chịu sao nổi. Uống ly nước cũng thấy nhục.

Tôi nói, nhưng đó là mệnh Trời, cậu đâu có tự mình làm cho mình bệnh, cậu đâu có ăn không ngồi rồi để vợ con nuôi, thoải mái với mình một chút sẽ thấy dễ thở, dằn vặt làm chi. Cậu tôi than, biết mệnh Trời sớm một chút thì cậu đã không lấy vợ đẻ con, sống độc thân dọc ngang vùng vẫy đến khi hết thời thì chết lặng lẽ có phải hơn không.

Bi kịch của sự đổi vai không nằm ở bề mặt việc đổi vai đó - phải, ngẫm lại thì thấy đâu có gì ầm ĩ - mà từ một con chíp nhỏ xíu nào đã được cài sẵn trong óc não người đàn ông và người đàn bà. Con chíp quy định vai trò xã hội: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, không được làm ngược lại, không được cãi. Bẻ ngược lại, chương trình hoạt động linh tinh, cuộc đời có rối loạn thì đừng trách.

Xây nhà: đàn ông
Xây tổ: đàn bà

Con chíp vừa thông minh vừa khó tính ấy bảo rằng chỉ có đàn ông xây nhà thì nhà mới đáng gọi là nhà và chỉ có đàn bà mới có năng lực làm ấm chiếc tổ. Chúng ta quen gọi là thiên chức.

Thời thế có đổi thay, nhịp sống có hiện đại đến trăm lần hơn, thì thiên chức vẫn cố định. Ngay cả khi bạn đã chuyển đổi giới tính.

Âu cũng là số Trời.

Theo Đẹp
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Post a Comment

 
TOP